Một video khiến bạn rơi nước mắt, một thước phim quảng cáo lan truyền khắp các nền tảng mạng xã hội, hay đơn giản là một clip hướng dẫn sử dụng sản phẩm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu đến từng chi tiết hình ảnh… Tất cả đều là những sản phẩm marketing số hiện đại, phía sau những khung hình “chạm tới cảm xúc” ấy là ai? Ai là người đã biến cảm xúc thành hình ảnh – và hình ảnh thành câu chuyện? Đó chính là DOP – Director of Photography, hay còn gọi là đạo diễn hình ảnh.
Đạo diễn hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong đoàn phim. Ảnh: Internet.
Vậy để trở thành một D.O.P chuyên nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo ngày nay – bạn cần học những gì? Hãy cùng khám phá chi tiết trong bài viết sau!
DOP là ai?
DOP viết tắt từ director of photography – đạo diễn hình ảnh – người chịu trách nhiệm chính về hình ảnh, ánh sáng khung hình, bố cục, màu sắc của một sản phẩm video. Nếu đạo diễn là người vẽ nên bức tranh tổng thể của một câu chuyện, thì đạo diễn hình ảnh là người “tô màu” cho bức tranh đó để nó sống động và có hồn hơn. Vì thế vị trí công việc này cũng được ví như cầu nối giữa nội dung (kịch bản) và cảm xúc thị giác mà người xem trải nghiệm.
Công việc và vai trò của đạo diễn hình ảnh
Điều chỉnh ánh sáng
Điều chỉnh ánh sáng là một trong bốn vai trò quan trọng của đạo diễn hình ảnh. Công việc này cụ thể là quyết định mỗi cảnh quay được chiếu sáng như thế nào. Có thể họ sẽ là người chỉ đạo nguyên một hệ thống đèn phức tạp, đôi khi chỉ sử dụng một nguồn sáng duy nhất. Sự sáng tạo của DOP thể hiện qua việc sử dụng ánh sáng và bóng tối để tạo ra bức tranh sống động trong mỗi cảnh quay.
Thiết lập góc máy, khung hình
Bên cạnh việc điều chỉnh ánh sáng, DOP còn làm việc với đội quay phim để cho ra những khung hình chuẩn chỉnh trong mỗi shot. Điều này không chỉ đảm bảo tính logic của kịch bản mà còn đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của nghệ thuật khi công chiếu trước khán giả. Quá trình này đòi hỏi DOP chú ý đến từng chi tiết, có tư duy hình ảnh tốt và kiên nhẫn.
DOP canh chỉnh để khung hình chuẩn chỉnh truyền đạt được tinh thần nghệ thuật. Ảnh: Internet.
Quản lý thiết bị quay phim
Máy quay, bộ lens và các thể loại lens là những công cụ quan trọng số 1 với DOP. Đây chính là phương tiện tuyệt hảo để đạo diễn hình ảnh sử dụng tư duy hình ảnh, óc thẩm mỹ của mình bóc tách lựa chọn những thông số kỹ thuật phù hợp nhất nhằm diễn tả chân thực tinh thần, tình cảm của bộ phim hoặc video. Kiểm soát thiết bị quay không phải là công việc kỹ thuật đơn thuần, mà là cách để DOP làm chủ chất lượng hình ảnh, cảm xúc thị giác và tiến độ sản xuất – ba yếu tố cốt lõi của bất kỳ dự án quay phim nào.
Mỗi loại máy quay, ống kính hay bộ lọc (filter) đều tạo ra chất lượng hình ảnh và
cảm giác thị giác khác nhau, do đó DOP cần lựa chọn kỹ lưỡng.
Điều phối chuyển động máy quay
Một cảnh quay sống động là một khung hình được kết hợp giữa chuyển động máy như pan và tilt với push, pedestal và zoom. Các chuyển động này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ để di chuyển đèn, dolly, và thậm chí là các thành phần khác như bức tường có thể mở đóng để đáp ứng góc quay của máy. Các công việc này của DOP diễn ra suốt quá trình quay phim và trong giai đoạn hậu kỳ, họ có thể hợp tác với các chuyên gia màu sắc và biên tập để phát triển cảnh quay hoàn thiện hơn.
5 tố chất và kỹ năng cần có để trở thành DOP
Đạo diễn hình ảnh là người chịu trách nhiệm chính trong việc thiết kế và hiện thực hóa phần hình ảnh của một bộ phim hay video. Họ gần như là “người cầm cân nảy mực” cho mọi khung hình – từ ánh sáng, bố cục, chuyển động máy quay đến cảm xúc thị giác mà người xem cảm nhận được. Để đảm nhận vai trò quan trọng này, một D.O.P cần hội tụ những tố chất và kỹ năng sau:
Có con mắt nghệ thuật và nhạy bén với nhiếp ảnh
Tố chất hàng đầu của một DOP chính là khả năng cảm thụ nghệ thuật tốt và tinh tế với nhiếp ảnh. Bởi mỗi khung hình trong phim không đơn thuần là hình ảnh mà nó còn là những khoảnh khắc mang thông điệp, cảm xúc, và câu chuyện.
Bạn cần có con mắt nghệ thuật để nhận biết được ánh sáng, màu sắc, góc quay đẹp và sử dụng chúng một cách hài hòa nhằm tạo ra những hình ảnh có chiều sâu. Đây là yếu tố khiến khán giả “đồng điệu” với cảm xúc mà bạn muốn truyền tải qua màn ảnh.
Khả năng truyền đạt
DOP không chỉ làm việc một mình. Họ còn làm việc với cả ekip quay phim, đội hóa trang, thiết kế bối cảnh… do đó bạn cần có kỹ năng truyền đạt tốt để những mong muốn, suy nghĩ của mình được hiểu và truyền đạt hiệu quả. Điều này giúp bạn phối hợp thực hiện với các ekip một cách ăn ý, đảm bảo mỗi cảnh quay đạt đúng ý đồ nghệ thuật.
Kỹ năng chụp hình
Kỹ năng chụp hình được xem là “bệ phóng” của bất kỳ DOP nào. Bởi hình ảnh là phiên bản tĩnh của video, bạn tạo nên những thước phim chuẩn khi có hình ảnh chuẩn. Bên cạnh đó, chụp hình thường xuyên cũng giúp bạn làm quen với các thiết bị máy ảnh, hiểu cách vận hành máy quay, ống kính, các thông số kỹ thuật… Từ đó, bạn sẽ dễ dàng chọn được thiết bị phù hợp với từng dự án và làm chủ được khung hình khi ghi hình thực tế.
Kỹ năng chụp hình được xem là “bệ phóng” của bất kỳ DOP nào.
Có kiến thức về biên tập
Bên cạnh việc tạo ra những khung hình chất lượng ngay tại hiện trường, một DOP còn cần có kiến thức vững vàng về quy trình hậu kỳ video. Việc hiểu rõ cách cắt dựng, chỉnh sửa hình ảnh giúp DOP dễ dàng phối hợp với đội ngũ hậu kỳ để đảm bảo sản phẩm cuối cùng đạt tính thẩm mỹ cao và đúng ý đồ nghệ thuật. Vì vậy, kỹ năng biên tập là yếu tố không thể thiếu.
D.O.P còn cần có kiến thức vững vàng để quy trình hậu kỳ video diễn ra nhanh chóng
hiệu quả. Ảnh: Internet.
Kỹ năng tổ chức
Kỹ năng tổ chức là yếu tố then chốt giúp DOP làm chủ được tiến độ và chất lượng sản phẩm. Một DOP giỏi cần biết lập kế hoạch quay chi tiết, bao gồm xác định các cảnh quay, thời lượng từng phân đoạn, điều kiện ánh sáng, thời tiết, thiết bị cần dùng và nhân sự liên quan. Họ cũng cần biết phân bổ nhân lực hợp lý, phối hợp chặt chẽ với các bộ phận như đạo diễn, tổ ánh sáng, tổ camera, tổ phục trang – để đảm bảo mọi người đều hiểu rõ vai trò và nhiệm vụ của mình.
DOP làm việc với những ai?
Camera Operator – Người điều khiển máy quay
Người điều khiển máy quay là người là người “đỡ đầu” của các thước phim, họ đảm bảo bố cục, khung hình chuẩn. Họ sẽ là người trực tiếp thực hiện các chỉ đạo của đạo diễn hình ảnh trên phim trường nhằm tạo ra những thước phim ấn tượng, sắc nét.
Steadicam Operator – Người vận hành máy quay cầm tay
Steadicam Operator là người chịu trách nhiệm kiểm soát máy quay được gắn trên hệ thống Steadicam – thiết bị giúp loại bỏ độ rung khi quay cầm tay, đặc biệt trong các cảnh chuyển động phức tạp. Người cầm Steadicam cùng DOP thảo luận về cách thực hiện cảnh quay, ống kính, góc máy và cách di chuyển để đạt hiệu quả tốt nhất.
Dựa trên chỉ đạo của DOP, Steadicam Operator sẽ lựa chọn các góc quay phù hợp
để tạo ra những thước phim độc đáo và ấn tượng.
Script Supervisor – Giám sát kịch bản
Giám sát kịch bản là người cung cấp thông tin chi tiết về các cảnh quay cho DOP, giúp DOP hiểu rõ hơn về câu chuyện và các yếu tố cần thiết để tạo ra hình ảnh phù hợp. Ngược lại, DOP sẽ thông báo cho giám sát kịch bản về các quyết định hình ảnh của mình, để giám sát kịch bản có thể ghi lại các thay đổi và đảm bảo tính liên tục.
DIT (Digital Imaging Technician) – Kỹ thuật viên xử lý hình ảnh kỹ thuật số
Trong quy trình sản xuất phim hiện đại, DIT là người đóng vai trò cầu nối giữa công nghệ máy quay kỹ thuật số và chất lượng hình ảnh cuối cùng. DIT là chuyên gia công nghệ, chịu trách nhiệm hỗ trợ đạo diễn hình ảnh trong việc kiểm soát và tối ưu các yếu tố kỹ thuật số liên quan đến hình ảnh trong suốt quá trình quay.
Các vị trí hỗ trợ khác
Ngoài các vị trí trên, DOP còn phối hợp cùng với một số vị trí khác như: Video assist operator, data wrangler; trợ lý quay phim…
Thách thức trong nghề DOP
Trong vai trò của một DOP bạn được làm và thể hiện sự sáng tạo, tư duy nghệ thuật song phải đối diện với nhiều thách thức.
Ảnh hưởng bởi tai nạn kỹ thuật hoặc thời tiết xấu
Để ghi lại những hình ảnh sắc nét, đảm bảo đúng tiến độ ghi hình DOP phải làm việc ở tất cả môi trường từ nắng nóng đến mưa lạnh. Do đó việc chịu ảnh hưởng của thời tiết xấu là điều hoàn toàn bình thường. Ngoài ra vì áp lực làm việc với cường độ cao, các thiết bị kỹ thuật rất dễ hư hỏng, “đình công” làm gián đoạn hoặc ảnh hưởng đến set quay cũng là những tình huống “dở khóc dở cười” mà bất kỳ DOP nào gặp phải.
Áp lực từ đạo diễn, nhà sản xuất, khán giả, diễn viên
Làm việc trong môi trường sản xuất phim ảnh, nghệ thuật đồng nghĩa với việc bạn sẽ làm việc cùng nhiều cái tôi nghệ thuật khác nhau. Do đó một DOP sẽ thường phải đối diện với áp lực “bất đồng quan điểm” với đạo diễn, nhà sản xuất và diễn viên, trong rất nhiều tình huống. Ngoài ra, khi phim lên sóng bạn thậm chí còn bị chỉ trích hoặc “nhận gạch đá” từ khán giản.
Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Trở thành DOP bạn sẽ là người hoạt động cùng khung giờ với nghệ thuật theo lịch trình bận rộn hoặc dày đặc để đảm bảo quá trình công chiếu, phát sóng của dự án. Do đó các DOP sẽ phải chấp nhận việc dễ mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.
Học ngành gì để trở thành DOP?
Để trở thành một DOP chuyên nghiệp, bạn cần theo đuổi lộ trình học tập và rèn luyện bài bản, kết hợp giữa kiến thức chuyên môn, kỹ năng kỹ thuật và trải nghiệm thực tế. Dưới đây là các nhóm kiến thức và kỹ năng bạn cần học:
Kiến thức cơ bản về quay phim và nhiếp ảnh
Bộ kiến thức này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của máy quay, máy ảnh; hiểu được các yếu tố tạo nên hình ảnh đẹp (bố cục, ánh sáng, màu sắc, tiêu cự…); biết cách vận hành ống kính, khung hình, góc máy, chuyển động máy quay…
Kiến thức về ánh sáng điện ảnh
DOP cần làm chủ ánh sáng để tạo không gian, cảm xúc cho cảnh quay như việc kiểm soát ánh sáng tự nhiên, nhân tạo; phong cách chiếu sáng. Ngoài ra kiến thức về loại đèn, cường độ chiếu sáng và nhiệt độ màu cũng là những thông tin quan trọng mà một người làm DOP cần nắm.
Ánh sáng được xem là “ngôn ngữ” để đạo diễn hình ảnh truyền tải ý đồ nghệ thuật của mình.
Kiến thức về màu sắc và hiệu ứng thị giác
Bạn cần tìm hiểu những kiến thức liên quan đến màu sắc như hệ màu RGB/CMYK, cách phối màu tạo sắc độ cảm xúc cho cảnh quay… Đây là yếu tố không thể thiếu đối với một DOP. Nó không chỉ giúp DOP tạo ra những hình ảnh đẹp mắt, mà còn giúp truyền tải cảm xúc, thông điệp của bộ phim một cách hiệu quả, tạo nên sự khác biệt cho tác phẩm
Kiến thức về dựng phim và hậu kỳ
Dù không trực tiếp làm hậu kỳ, một DOP chuyên nghiệp vẫn cần hiểu rõ về quy trình dựng phim và hậu kỳ hình ảnh. Điều này giúp các DOP làm việc hiệu quả với editor đảm bảo sản phẩm cuối cùng đúng với ý đồ nghệ thuật. Đặc biệt đây cũng là kiến thức quan trọng để DOP tạo “source” gốc sạch dễ dựng, không bị cháy sáng, tránh tình trạng về nhà mất chi tiết hay sai khung hình.
Tư duy kể chuyện bằng hình ảnh – Cốt lõi của một D.O.P
D.O.P không chỉ là “người quay đẹp” mà là “người kể chuyện bằng hình ảnh”. Tư duy này thể hiện qua cách đặt nhân vật ở đâu trong khung hình, ánh sáng nên u tối hay lãng mạn, chuyển động máy quay ở phân đoạn này nên tĩnh hay theo nhịp hành động…
DOP trong ngành marketing là gì?
Ở lĩnh vực marketing, đặc biệt là nhóm ngành liên quan đến video quảng cáo, TV giới thiệu doanh nghiệp, clip trên các nền tảng, DOP vẫn là người đảm nhiệm chính về chuyên môn hình ảnh. Song họ sẽ cần có kiến thức thêm về thương hiệu, tư duy sản phẩm – khách hàng, quản lý ngân sách hiệu quả. Vì khi DOP hiểu được tinh thần của thương hiệu, thông điệp của chiến dịch thì việc truyền tải cảm xúc sẽ hiệu quả hơn, dễ chạm đến khách hàng hơn và đặc biệt là phù hợp với ngân sách của chiến dịch.
DOP khác gì với đạo diễn?
Đạo diễn và đạo diễn hình ảnh là những người có vai trò quan trọng trong quá trình làm phim, mỗi người có 1 nhiệm vụ riêng biệt. Đạo diễn là người chịu trách nhiệm chính về mặt nghệ thuật, chỉ đạo toàn bộ quá trình sản xuất, từ việc kể câu chuyện, diễn xuất của diễn viên đến việc tạo ra một tầm nhìn tổng thể cho bộ phim. Trong khi đó, DOP là người chịu trách nhiệm về phần hình ảnh, làm việc chặt chẽ với đạo diễn để biến ý tưởng của đạo diễn thành hiện thực thông qua hình ảnh, ánh sáng, góc máy và các yếu tố thị giác khác.
Dù là trong lĩnh vực phim nghệ thuật hay video marketing, DOP luôn đóng vai trò quan trọng như người thổi hồn vào từng khung hình, giúp câu chuyện được kể lại một cách sống động và đầy cảm xúc. Đây là một nghề đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật chuyên môn và cảm xúc nghệ thuật. Nếu bạn đang quan tâm đến lĩnh vực này, việc học sản xuất truyền thông sẽ là bước đi nền tảng để trở thành DOP.
Ý kiến của bạn