Trong thời đại số như hiện nay người dùng dường như “khó chiều” hơn rất nhiều, họ không còn tin vào những lời hoa mỹ mà doanh nghiệp nói. Thay vào đó, từ những trải nghiệm trực tiếp với thương hiệu, người dùng hoàn toàn có thể chia sẻ suy nghĩ, đánh giá. Từ đó một khái niệm mới ra đời và trở nên quan trọng trong chiến lược marketing đó là UGC.
Vì sao nội dung do người dùng tạo ra lại có sức ảnh hưởng lớn đến niềm tin khách hàng, cải thiện tỷ lệ chuyển đổi, thậm chí tác động tích cực đến thứ hạng SEO của website?
Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ bản chất UGC là gì, những lợi thế mà nó mang lại và cách doanh nghiệp có thể tận dụng UGC hiệu quả để tăng trưởng bền vững trong thời đại marketing 4.0.
UGC là yếu tố giúp thương hiệu nổi tiếng, cũng có thể là con dao 2 lưỡi hủy hoại
doanh nghiệp, do đó bạn cần hết sức thận trọng. Ảnh: Internet.
UGC là gì? Tại sao UGC bùng nổ?
Định nghĩa UGC
UGC viết tắt của từ User Generated Content – nội dung do người dùng tạo ra. Trong thời đại, mạng xã hội lên ngôi, internet “phủ bóng” mọi lúc, UGC xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ trang cá nhân của người dùng đến các phần bình luận tại webstie. Đó là tất cả các loại nội dung, bao gồm văn bản, hình ảnh, video, đánh giá, bình luận, bài viết blog… do chính khách hàng tạo ra, không phải từ doanh nghiệp hay nhãn hàng.
Ví dụ về UGC
- Một khách hàng đăng ảnh mặc sản phẩm của bạn lên Instagram và gắn thẻ thương hiệu
- Một người để lại bình luận đánh giá sản phẩm trên website
- Một Youtuber review sản phẩm mà không được tài trợ
- Bài viết chia sẻ trải nghiệm sử dụng dịch vụ trên blog cá nhân.
Khác với nội dung thương hiệu (brand-generated content), UGC mang tính trung lập, chân thực và có sức lan tỏa cao hơn.
UGC dưới hình thức thử thách thường sẽ thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia.
Các loại UGC phổ biến hiện nay
Đánh giá và nhận xét (Reviews & Ratings)
Người dùng có xu hướng sẽ đánh giá sản phẩm/dịch vụ của nếu sản phẩm/dịch vụ đó khiến họ ấn tượng hoặc có công năng vượt qua kỳ vọng. Hình thức đánh giá, review này cũng xuất hiện nhiều trên các sàn thương mại điện tử, website doanh nghiệp hoặc google business.
Ảnh/Video của người dùng
Câu chuyện khách hàng chụp ảnh sản phẩm hay quay video “unbox” một món đồ, sau đó đăng tải lên facebook, tiktok của họ dường như không còn quá xa lạ với chúng ta. Bạn bè, gia đình, những người theo dõi của họ sẽ xem những đánh giá này là “bằng chứng chính xác nhất” về chất lượng của sản phẩm.
Khi đánh giá một sản phẩm hay dịch vụ, nhiều người dùng sẽ gắn thẻ tài khoản cũng như sử dụng các từ khóa (hashtag) liên quan đến thương hiệu. Một số khách hàng sẽ làm điều này một cách tự nhiên hoặc được thương hiệu tài trợ. Những nội dung này mang đến sự nhận diện và ảnh hưởng truyền thông to lớn.
Thử thách sáng tạo (Creation challenges)
Việc tạo ra các thử thách sáng tạo cùng phần thưởng hấp dẫn giúp thương hiệu thu hút được lượng lớn người tham gia. Thông thường, các thử thách này đều đi kèm các hashtag gắn liền với thương hiệu hoặc các xu hướng đang được quan tâm. Những người tiêu dùng trẻ hoặc những khách hàng trung thành của thương hiệu thường không bỏ qua những thử thách này.
Việc tạo ra các thử thách sáng tạo cùng phần thưởng hấp dẫn,
sẽ giúp thương hiệu thu hút được lượng lớn người tham gia.
Story và livestream
Việc khách hàng chia sẻ trải nghiệm của mình với sản phẩm bằng cách đăng hình sản phẩm trên stoty có lẽ đã quen thuộc với nhiều người. Thậm chí với một số sản phẩm họ còn livestream toàn bộ quá trình “đập hộp” này. Đây là cách chia sẻ trực tiếp và nhận lại những phản hồi nhanh chóng từ những “mắt xem” giúp thương hiệu của bạn gia tăng sự kết nối và lan tỏa đến nhiều người nhanh nhất.
Vai trò và lợi ích vượt trội của UGC trong Marketing
Sự xuất hiện của UGC trong thời đại số hóa, đã thay đổi cách làm marketing để thương hiệu tiếp cận và tương tác với khách hàng của mình. Sự tham gia tích cực của người dùng trong việc tạo ra nội dung liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại giá trị truyền thông quan trọng như:
Tối ưu hóa nguồn lực Marketing
Thay vì đầu tư lớn vào các chiến dịch quảng cáo, thương hiệu có thể tận dụng chính nội dung do người dùng tạo ra để làm tư liệu truyền thông – từ ảnh chụp, video review đến bài viết trải nghiệm. Đây là cách hiệu quả để mở rộng phạm vi tiếp cận với chi phí thấp hơn.
UGC cũng thường được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và các nền tảng cộng đồng, giúp thương hiệu tiếp cận với nhiều người hơn một cách tự nhiên. Sức lan tỏa này tạo điều kiện cho thương hiệu trở thành một phần trong cuộc trò chuyện của người tiêu dùng.
Giải quyết “khủng hoảng” sáng tạo
Trong marketing, “sáng tạo” luôn là yêu cầu đầu tiên và cũng là yếu tố then chốt quyết định sự khác biệt của mỗi chiến dịch. Thiếu đi sự sáng tạo, nội dung bạn truyền tải sẽ dần trở nên một màu, lặp lại, và khó tạo được ấn tượng với khách hàng. Giờ đây UGC chính là sự thật ngầm hiểu – thứ mà bạn luôn tìm kiếm – sẽ phát huy tác dụng. Chính xác mong muốn, nhu cầu thực tế và có cả cảm xúc thật của khách hàng là những điểm đắt giá mà UGC giúp người làm marketing lên những chiến dịch sáng tạo bám sát thực tế.
Xây dựng mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng
Người tiêu dùng thích cảm giác thuộc về một cộng đồng lớn như “fandom” của thương hiệu thay vì chỉ riêng bản thân. Tạo ra UGC cho phép họ trở thành một phần của cộng đồng thương hiệu. Điều này rất quan trọng trong việc tăng cường lòng trung thành và tình cảm với thương hiệu. UGC cũng mở ra không gian kết nối đến gần hơn với người tiêu dùng, giúp phát triển và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa khách hàng và doanh nghiệp.
Việc tạo ra UGC cho phép khách hàng trở thành một phần của
cộng đồng thương hiệu. Ảnh: Internet.
Củng cố niềm tin người dùng
Hiện nay, truyền thông 1 chiều từ phía thương hiệu đến khách hàng dường như chưa đủ để thúc đẩy họ đăng ký mua hàng. Họ đều muốn biết trải nghiệm thực tế từ người đã sử dụng sản phẩm/dịch vụ đó như thế nào. Do đó chính nhờ những nội dung chân thực, khách quan từ người đã mua sẽ đem đến cho khách hàng tiềm năng những đánh giá công tâm nhất.
Thúc đẩy quyết định mua sắm
UGC đóng vai trò quan trọng xuyên suốt hành trình mua hàng, đây là nguồn thông tin đáng tin cậy giúp khách hàng mục tiêu xác thực chất lượng sản phẩm từ trải nghiệm thực tế của những người mua trước. Việc lắng nghe chia sẻ, đánh giá thật từ người dùng giúp người tiêu dùng cảm thấy yên tâm và tự tin hơn khi ra quyết định.
Mở rộng tệp khách hàng tiềm năng
Nhờ những khách hàng hiện hữu chia sẻ về sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, thương hiệu có thể mở rộng tệp khách hàng tiềm năng. Hiện nay nhiều người thường tin tưởng và mua hàng nhờ giới thiệu hoặc thông tin mua hàng từ bạn bè và người hơn bất kỳ thông điệp nào khác từ chính thương hiệu.
Triển khai Video UGC trên những nền tảng truyền thông nào?
TikTok – UGC dễ viral
Tiktok là kênh có khả năng viral cực cao. Thuật toán TikTok ưu tiên nội dung thú vị, giúp UGC dễ tiếp cận ngay cả khi người đăng không có nhiều follower. Đây cũng là nền tảng để người dùng dễ dàng tham gia UGC nhờ việc ghép nhạc, filter đơn giản. Ngoài ra đây cũng là nền tảng mang tính giải trí cao, đặc biệt với các bạn trẻ. Do đó rất dễ dàng để “hút” giới trẻ sáng tạo các nội dung “chất riêng” giúp thương hiệu gần gũi và dễ lan tỏa.
Tiktok challenge là hình thức tổ chức UGC phổ biến thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.
Cách làm:
- Khởi xướng một thử thách dễ tham gia (nhảy, biến hình, chia sẻ mẹo, trải nghiệm sản phẩm…)
- Đặt tên hashtag dễ nhớ, có CTA (call to action)
- Kêu gọi người dùng tham gia bằng cách nhấn mạnh lợi ích (nhận quà, lên xu hướng, được brand đăng lại).
- Sau đó bạn tiến hành đăng lại UGC nổi bật (và ghi credit): việc reup những video hay từ người dùng không chỉ tăng độ tin cậy mà còn tạo cảm giác “được ghi nhận”.
Lưu ý: Chọn concept phù hợp với đối tượng mục tiêu và xu hướng TikTok tại thời điểm đó
Instagram – UGC mang tính “nghệ” hơn
Instagram là một trong những nền tảng phổ biến với nhiều độ tuổi khác nhau. Người dùng trên nền tảng này thường chuộng việc đăng tải các hình ảnh đẹp mắt và cuốn hút. Do đó tận dụng tạo UGC trên instagram sẽ đem đến cho thương hiệu của bạn những hình ảnh và video chất lượng cao.
Để tạo UGC với ứng dụng này bạn có thể ưu tiên hình thức:
- Tổ chức cuộc thi chụp ảnh cùng sản phẩm hoặc dịch vụ
- Đặt tên chiến dịch cùng hashtag ngắn gọn dễ nhớ
- Đăng tải trên các tài khoản cá nhân kèm hashtag
- Thương hiệu chia sẻ lại những bài dự thi trên
UGC trên Facebook – Tính cộng đồng và tương tác mạnh mẽ
Facebook là nền tảng giúp thương hiệu của bạn dễ dàng kết nối và tương tác với nhiều người, qua các dạng bài viết, bình luận, story. Đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” để bạn dễ dàng tổ chức các cuộc thi, review… lan tỏa thương hiệu.
Ứng dụng này phù hợp với những đối tượng khách hàng như trung niên, gia đình, cộng đồng ngành nghề. Đặc biệt, ngày nay việc kết hợp UGC với chạy quảng cáo cũng giúp bạn tăng tỷ lệ chuyển đổi nhiều hơn.
Minigame “Tạo phiên bản Fanta mới dành cho riêng bạn” được Fanta triển khai dịp ra mắt
4 phiên bản mới đã thu hút hàng ngàn người tham gia.
UGC trên Youtube
YouTube là nền tảng lý tưởng để người dùng thể hiện cảm nhận chân thật, chi tiết và sống động về sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua các video chuyển động. Nhờ vào thời lượng dài và đa dạng định dạng nội dung (review, vlog, hướng dẫn sử dụng, unboxing, story-telling,…), YouTube mang lại trải nghiệm thị giác và cảm xúc đầy đủ hơn so với các nền tảng khác. Để khai thác tốt UGC trên kênh này, thương hiệu bạn nên khuyến khích người dùng chia sẻ trải nghiệm thật: thông qua video review, hành trình sử dụng sản phẩm hoặc kể lại câu chuyện cá nhân liên quan đến thương hiệu.
Các chiến lược UGC Creator phổ biến
Chiến dịch Hashtag gắn liền với câu chuyện thương hiệu
Chiến dịch này nhằm thu hút người dùng cùng xây dựng nội dung xung quanh thông điệp cốt lõi hoặc các giá trị thương hiệu mang đến với mục tiêu lan tỏa thương hiệu và truyền cảm hứng. Thông thường để triển khai UGC dạng này, doanh nghiệp sẽ tạo ra một hashtag riêng và khuyến khích cộng đồng sử dụng cụm này trong lúc chia sẻ hình ảnh, video hoặc đánh giá của họ.
Chiến dịch “Đi để trở về” được Bitis Hunter phát động năm 2016 thu hút nhiều người tham gia
cùng cụm hashtag ngắn gọn, đúng tinh thần thương hiệu
Tổ chức cuộc thi cho UGC về những chủ đề xu hướng
Khai thác những xu hướng nội dung đang phổ biến (có liên quan đến thương hiệu) hoặc các dịp lễ chung (tết, giáng sinh, mùa hè…) để tạo nên các chiến dịch UGC nơi mà người dùng có thể thoải mái sáng tạo nội dung. Mục tiêu của hoạt động này đó là tăng lượng nội dung do người dùng tạo ra trong thời gian ngắn, tạo sự tương tác và lan tỏa mạnh.
Bạn có thể tổ chức những cuộc thi như làm video ngắn, thử thách sáng tạo cùng sản phẩm hoặc dịch vụ. Đặc biệt các phần thưởng dành cho hoạt động này nên thật sự nổi bật, hiện kim hoặc 1 năm sử dụng dịch vụ/sản phẩm chẳng hạn.
Chạy quảng cáo nội dung từ UGC Creator
Sau khi thu thập các nội dung UGC chất lượng từ người dùng, thương hiệu sẽ sử dụng những nội dung này làm tư liệu cho các hoạt động quảng cáo trên các nền tảng như facebook, tiktok, youtube… Với cách thức này, bạn không chỉ giúp tăng độ tin cậy cho khách hàng mà còn tạo đươc cảm giác “người thật – việc thật” tăng tỉ lệ chuyển đổi với số lượng đại chúng hơn.
Những lưu ý khi sử dụng UGC
UGC mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động quảng bá thương hiệu, song khi sử dụng người làm marketing cần chú ý:
- Xin phép người dùng trước khi đăng tải. Việc này tôn trọng người dùng và xin phép trước khi sử dụng “sản phẩm” do chính họ tạo ra, giúp thương hiệu thể hiện sự tôn trọng khách hàng và tránh các rủi ro về tác quyền về sau. Bên cạnh đó bạn phải ghi nguồn người tạo nội dung để khuyến khích họ và những người khác tiếp tục tạo ra UGC cho thương hiệu.
- Ngoài ra bạn cũng cần giám sát và kiểm duyệt UGC kỹ lưỡng bởi không phải tất cả nội dung đều phù hợp với hình ảnh và thông điệp của thương hiệu. Hơn nữa, bạn cũng cần giám sát các nội dung UGC để tránh những nội dung tiêu cực hoặc gây tranh cãi.
UGC không chỉ đơn thuần là nội dung do người dùng tạo ra, mà còn là một công cụ mạnh mẽ giúp gia tăng độ tin cậy, thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi và nâng cao hiệu quả SEO cho doanh nghiệp. Trong thời đại mà người tiêu dùng ngày càng trở nên tỉnh táo và thận trọng với quảng cáo, UGC ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu trong chiến lược marketing hiện đại. Nếu bạn đang muốn tự tạo nội dung chất lượng cao trên nền tảng số, tham gia khóa học CapCut để giúp bạn làm chủ kỹ năng dựng video một cách chuyên nghiệp, dễ dàng bắt nhịp với xu hướng UGC đang phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Ý kiến của bạn