Thiết lập mục tiêu SMART là bước quan trọng đầu tiên trong chiến dịch kinh doanh nói chung và marketing nói riêng của các doanh nghiệp. Bởi thành công sẽ không đến một cách tự nhiên hay phụ thuộc quá nhiều vào sự may mắn mà là kết quả của những mục tiêu đã đặt ra từ trước và tiến trình thực thi có kế hoạch rõ ràng. SMART không phải là lý thuyết suông mà chính là kim chỉ nam trong bài toán kinh doanh của thương hiệu, là nền tảng biến ý tưởng thành hành động cụ thể. Vậy mục tiêu SMART là gì? Cách thiết lập mục tiêu SMART ra sao để tối ưu nguồn lực và tài chính hiệu quả? Mời bạn cùng Học Viện Marketing – Hướng Nghiệp Á Âu giải mã thông qua bài viết dưới đây nhé!
Mục đích của nguyên tắc SMART là tối ưu kết quả mà doanh nghiệp
muốn đạt được qua mỗi chiến dịch kinh doanh (Ảnh: Internet)
Mục tiêu SMART là gì?
Mục tiêu SMART (SMART Goals) là tên viết tắt của 5 nguyên tắc xác định mục tiêu trong kinh doanh: Specific (Tính cụ thể), Measurable (Đo lường được), Achievable (Khả năng thực hiện), Realistic (Tính thực tế) và Time – bound (Khung thời gian).
5 khía cạnh của mục tiêu SMART giúp doanh nghiệp phác thảo, bao quát đầy đủ những yếu tố cần và đủ để xây dựng một kế hoạch kinh doanh mang lại hiệu quả đúng như dự tính ban đầu.
Một mục tiêu được đặt theo công thức SMART giúp doanh nghiệp hiểu rõ mình cần làm gì, làm như thế nào, thời gian bao lâu để đạt được kết quả như mong muốn.
Ví dụ: Thay vì đạt mục tiêu là “tăng lượt thích cho fanpage” thì trưởng phòng Marketing đưa ra KPI cụ thể hơn là “tăng 10.000 lượt thích cho fanpage trong quý đầu tiên của năm 2025”.
Mô hình SMART được các chuyên gia đánh giá là một trong
những phương thức thiết lập mục tiêu chính xác và hiệu quả (Ảnh: Internet)
5 Nguyên tắc thiết lập mục tiêu SMART
Specific (Tính cụ thể)
Một mục tiêu tốt phải được xác định chính xác và rõ ràng, không mơ hồ hoặc chung chung. Mục tiêu càng rõ ràng càng dễ lên kế hoạch thực hiện chi tiết và góp phần tăng tính khả thi cho chiến dịch.
Measurable (Đo lường được)
Một mục tiêu khả thi phải có chỉ tiêu cố định và rõ ràng để làm cột mốc đánh giá mức độ thành công của dự án. Nếu không có con số cụ thể đặt ra từ trước, doanh nghiệp sẽ rất khó để biết được mình đang tiến gần hay cách xa vạch đích muốn hướng tới.
Một con số cụ thể cũng vô tình đặt ra áp lực và thách thức riêng cho đội ngũ thực thi, thế nhưng nó sẽ là đòn bẩy tinh thần mạnh mẽ và nguồn động lớn lớn thúc đẩy doanh nghiệp quyết tâm thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra.
Ví dụ: Bạn đặt KPI mua nhà tại TP.HCM với số tiền 1 tỷ đồng thì bạn cần xem xét mức lương hiện tại của mình là bao nhiêu, số tiền cố định dành ra mỗi tháng để mua nhà là bao nhiêu, sau mấy năm sẽ hoàn thành mục tiêu sở hữu căn nhà tại Sài Gòn…
Mỗi mục tiêu cần có chỉ số đo lường cụ thể để đánh giá tiến độ thực thi (Ảnh: Internet)
Achievable (Tính khả thi)
Mục tiêu phải thực tế, không quá xa vời, phải hòa hợp với nguồn lực, tài chính, quy mô và khả năng hiện có.
Dĩ nhiên, mục tiêu phải thể hiện được sự tham vọng, tuy nhiên nó phải nằm ở mức độ cho phép, nếu có sự cố gắng, kiên trì và nỗ lực đến cùng thì vẫn có thể thực hiện được.
Một mục tiêu được thiết lập quá viển vông, xa vời sẽ gây tâm lý chán nản, dễ bỏ cuộc, trong khi đó, mục tiêu quá dễ dàng sẽ không thực sự tạo được động lực mạnh mẽ để phát triển. Do đó, hãy chắc chắn rằng mục tiêu phải phù hợp với nguồn lực và năng lực của tổ chức.
Realistic (Tính thực tế)
Mục tiêu phải ý nghĩa và phù hợp với định hướng phát triển chung của tổ chức trong từng giai đoạn nhất định. Nếu mục tiêu không mang lại giá trị thực tiễn, không đem lại giá trị thực tế hoặc được thiết lập sai thời điểm sẽ trở thành gánh nặng và áp lực cho đội ngũ thực hiện nó.
Time – Bound (Khung thời gian)
Time – bound, yếu tố cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng bởi mọi mục tiêu đều phải có sự ràng buộc về thời gian thực hiện.
Đặt thời gian hoàn thành mục tiêu sẽ giúp bạn phân bổ tốt thời gian, rèn luyện tính kỷ luật và tạo sự nghiêm khắc cho bản thân để thực hiện thành công mục tiêu.
Bạn cũng cần đảm bảo rằng khung thời gian được tính toán trước phải hợp lý để vừa tạo sức ép về mặt thời hạn vừa tạo động lực tích cực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
5 phương pháp thiết lập mục tiêu cho lãnh đạo doanh nghiệp (Ảnh: Internet)
Hiệu quả của việc áp dụng mô hình SMART trong Marketing
Cụ thể hóa mục tiêu
Các chiến dịch marketing đều phải được thiết lập chỉ số KPI cụ thể, rõ ràng, tránh mơ hồ hoặc quá vĩ mô nhằm tạo nên bức tranh tổng thể để theo sát trong suốt quá trình thực hiện chiến dịch.
Tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu
Nguyên tắc thiết lập mục tiêu SMART giúp nhà quảng cáo xác định đối tượng khách hàng tiềm năng nhất cho sản phẩm/dịch vụ và loại bỏ những đối tượng không phù hợp để tiết kiệm ngân sách marketing.
Tăng cường khả năng đo lường
Nhờ vào thành tố đo lường được (Measurable), mục tiêu SMART giúp nhà quản trị lập kế hoạch và lên timeline tiến trình thực hiện dự án. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng giám sát và đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên trong từng thời điểm, đồng thời, đưa ra kịch bản ứng phó với những sự cố có thể xảy ra khi thực hiện chiến dịch.
Gia tăng hiệu suất làm việc
Một mục tiêu SMART tốt tạo nên nguồn động lực to lớn giúp nhân viên hoàn thành công việc hiệu quả, hiệu suất và đúng tiến độ để góp phần hướng tới mục tiêu chung.
Bên cạnh đó, thiết lập rõ ràng chỉ tiêu công việc trong một khoảng thời gian nhất định giúp nhà quản lý đánh giá được năng lực của các thành viên, từ đó làm cơ sở quan trọng để so sánh mức độ đóng góp của từng nhân sự trong nhóm.
Mục tiêu SMART có thể được ứng dụng dễ dàng trên hầu hết các lĩnh vực và ngành nghề trong xã hội (Ảnh: Internet)
Một số điểm lưu ý khi đặt mục tiêu SMART
- Mục tiêu phải đủ cao và đi đúng với trọng tâm giá trị cốt lõi.
- Tập trung vào hiệu suất làm việc để đạt được kết quả cuối cùng.
- Mục tiêu phải phân bổ trách nhiệm rõ ràng cho từng nhân sự thực hiện.
- Không đặt cùng lúc quá nhiều mục tiêu sẽ dễ gây quá tải.
- Theo dõi và điều chỉnh kịp thời nếu nhận thấy mục tiêu không còn phù hợp.
- Đảm bảo nguồn lực và tài chính đủ mạnh để thực hiện hóa mục tiêu.
Mục tiêu SMART mang lại những lợi ích rõ ràng trong cả công việc
lẫn cuộc sống cá nhân (Ảnh: Internet)
Tóm lại, mục tiêu SMART giúp doanh nghiệp thiết kế, hoạch định lộ trình rõ ràng và khả thi để đảm bảo rằng các chiến dịch kinh doanh đều có khả năng thực hiện thành công. Mong rằng, bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu tường tận khái niệm mục tiêu SMART là gì cũng như cách thiết lập mục tiêu SMART hiệu quả cho các dự án của mình. Cùng đón xem những bài viết tiếp theo của Học Viện Marketing – Hướng Nghiệp Á Âu để sở hữu thêm nhiều kiến thức chuyên sâu và mới lạ trong lĩnh vực Digital Marketing.
Ý kiến của bạn